1. Trang chủ
  2. Đánh giá xe

Giá xe Toyota Hilux 2020 – Có nên mua Toyota Hilux không?

9/25/2020 08:46:00 SA

Trước sự lấn át của nhiều mẫu bán tải mới, các chuyên gia đánh giá xe Toyota Hilux trở nên khá nhạt nhoà. Vậy có nên mua Toyota Hilux vào thời điểm này?

Nội dung

BẢNG GIÁ XE TOYOTA HILUX MỚI NHẤT (CẬP NHẬT THÁNG 9/2020)

Bảng giá xe Toyota Hilux mới nhất:

Phiên bản

Giá xe niêm yết (triệu đồng)

Giá xe lăn bánh tham khảo (triệu đồng)

TP. Hà NộiTP. HCMTỉnh khác

Toyota Hilux 2.4 4×2 MT

622680672

Toyota Hilux 2.4 4×2 AT

662723715

Toyota Hilux 2.4 4×4 MT

772843834

Toyota Hilux 2.8G 4×4 AT

878958948

Bảng giá xe Toyota Hilux cũ:

Dù bị “thất sủng” nhưng khả năng giữ giá của Toyota Hilux vẫn tốt không thua kém gì so với những mẫu xe khác của hãng Toyota.

Giá xe Toyota Hilux cũ

2017 – 20152014 – 2009

Giá bán (triệu đồng)

650 – 560500 – 350

Xem thêm=> Chi tiết giá xe & thông số Toyota Hilus 2020 tại Toyota Tiền Giang

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TOYOTA HILUX

Toyota Hilux chính là một trong những chiếc xe bán tải đa dụng ra đời đầu tiên và có lịch sử phát triển lâu nhất. Ra mắt tại Việt Nam vào năm 2009 dưới hình thức nhập khẩu nguyên chiếc, Toyota Hilux nhanh chóng nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người dùng xe Việt. Yếu tố làm nên sự thành công giai đoạn đầu của Toyota Hilux tại Việt Nam có thể kể đến độ tin cậy – tính bền bỉ – sự tiện lợi.

Ngay từ khi ra mắt, Toyota Hilux nhanh chóng nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người dùng xe Việt

Tuy nhiên, khi các mẫu xe bán tải khác bắt đầu đặt chân vào thị trường Việt với sự cải tiến và đổi mới không ngừng, thì Toyota Hilux lại trở nên “chậm nhịp” hơn do sự “già cỗi” ít chịu thay đổi của mình. Trước một mẫu bán tải Ford Ranger vừa trẻ vừa khoẻ, một Chevrolet Colorado mạnh mẽ, một Mitsubishi Triton giá bán cực hấp dẫn, một Mazda BT-50 thanh lịch… thì Toyota Hilux trở nên yếu thế hơn hẳn trong cuộc chiến ngày càng khốc liệt ở phân khúc bán tải. Nguyên nhân vì sao?

LỖI THƯỜNG GẶP Ở TOYOTA HILUX

  • Khả năng bị lật cao hơn các đối thủ

Tuy không có nhiều vụ việc nổi tiếng đã xảy ra như “người anh em” Toyota Fortuner, nhưng Toyota Hilux vẫn bị nhiều chuyên gia đánh giá thiếu sự ổn định và có khả năng lật cao khi đánh lái gấp. Vào năm 2007, Toyota Hilux “thất bại nặng nề” trong một cuộc thử nghiệm mức độ ổn định của xe khi đánh lái gấp liên tiếp. Tuy hãng Toyota đã cố gắng khắc phục nhưng giữa năm 2016, Hilux tiếp tục sắp lật khi bước vào cuộc thử nghiệm lần hai. Các nhà thử nghiệm đã tiến hành chạy Hilux ở tốc độ 60km/h và đánh lái gấp liên tục.

Trong khi đó, các đối thủ như xe Ford Ranger hay xe Nissan Navara đều hoàn thành thử nghiệm với sự đánh giá cao. Sau cuộc thử nghiệm này, hãng Toyota đã kiểm tra và phát hiện nguyên nhân đến từ việc một thuật toán của hệ thống kiểm soát ổn định điện tử gặp lỗi. Sau đó, hãng đã tiến hành cập nhật lại để khắc phục nó.

Toyota Hilux vẫn bị nhiều chuyên gia đánh giá thiếu sự ổn định và có khả năng lật cao khi đánh lái gấp

Ở lần thử nghiệm tiếp theo, các nhà thử nghiệm đã tiến hạnh chạy Toyota Hilux ở tốc độ 59km/h, 61km/h, 63km/h, 65km/h và 67km/h. Ở tốc độ càng cao thì hệ thống kiểm soát ổn định điện tử hỗ trợ nhiều hơn. Thử nghiệm được thực hiện nhiều lần và kết quả là không có bất kỳ lần nào một bánh xe của Hilux rời khỏi mặt đường. Như vậy sau khắc phục, Hilux cuối cùng cũng đã vượt qua bài kiểm tra.

  • Lỗi túi khí

Năm 2014, Toyota Việt Nam (TMV) triển khai chiến dịch triệu hồi Toyota Hilux sản xuất từ 1/9/2009 – 8/12/2009 để kiểm tra và khắc phục túi khí. Nguyên nhân là do các xe Hilux sản xuất vào thời gian này xuất hiện lỗi ở cụm cáp xoắn túi khí.

CÁC THẾ HỆ TOYOTA HILUX

Giai đoạn tiền thân

Một điều thú vị là thế hệ tiền thân của xe Toyota Hilux không phải đến từ hãng xe Toyota mà là hãng sản xuất ô tô Hino. Thế hệ tiền thân này có tên là Hino Briska. Năm 1967, Toyota bắt tay hợp tác cùng Hino cho ra đời mẫu xe Toyota Brika.

Thế hệ thứ 1 (1968 – 1972)

Năm 1968, Toyota Hilux ra đời lần đầu tiên với số hiệu RN10. Dù mang thương hiệu Toyota, nhưng xe vẫn sản xuất và lắp ráp tại nhà máy Hamura thuộc hãng Hino. So với Toyota Brika, Toyota Hilux được cải tiến phần cấu trúc gầm xe, hệ thống treo trước kiểu lò xò, còn hệ thống treo sau là kiểu lá nhíp. Xe trang bị động cơ I4, dung tích 1.5L cho công suất cực đại đạt 69 mã lực với vòng tua máy tối đa 5.000 vòng/phút, kết hợp hộp số sàn 4 cấp.

Năm 1968, Toyota Hilux ra đời lần đầu tiên với số hiệu RN10

Thế hệ thứ 2 (1972 – 1978)

Tháng 5/1972, Toyota Hilux ra mắt thế hệ thứ 2. Điểm nổi bật nhất của thế hệ thứ hai chính là xe được trang bị các khối động cơ mạnh mẽ hơn, bao gồm động cơ dung tích 1.6L cho công suất cực đại gần 82 mã lực, và động cơ 2.0L cho công suất gần 104 mã lực. Mong muốn của hãng Toyota trong lần nâng cấp động cơ này chủ yếu là Toyota Hilux có thể vận hành mượt hơn trên các cung đường cao tốc.

Tháng 5/1972, Toyota Hilux ra mắt thế hệ thứ hai

Thế hệ thứ 3 (1978 – 1983)

Sau lần cải tiến đầu tiên, đến tháng 9/1978, Toyota Hilux tiếp tục lần nâng cấp tiếp theo. Ở lần này, hãng xe hàng đầu Nhật Bản chú trọng nhiều đến không gian cabin nhằm mang đến sự rộng rãi và thoải mái nhất cho hành khách cũng như người lái. Cabin xe được thiết kế và trang bị nhiều tiện nghi như một chiếc sedan.

Hilux thế hệ thứ 3 có đến 7 phiên bản. Với bản cao nhất, chiều dài cabin tăng thêm 90mm. Về vận hành, Toyota Hilux vẫn sử dụng động cơ dung tích 1.6L của thế hệ thứ hai. Tuy nhiên, hệ thống treo được cải tiến hơn. Hệ thống phanh đĩa cũng được trang bị trên cả các phiên bản tiêu chuẩn.

Toyota Hilux 1983 – đại diện cho thế hệ thứ 3

Năm 1979, lần đầu tiên Toyota sử dụng hệ dẫn động 4 bánh (4WD) cho chiếc bán tải Hilux của mình. Khối động cơ được nâng cấp mạnh hơn với dung tích. Cuối năm 1979, Toyota mang đến cho người dùng thêm một tuỳ chọn động cơ máy dầu diesel Type L. Đầu tiên động cơ này được trang bị cho các phiên bản dẫn động cầu sau, sau đó được sử dụng cho cả phiên bản dẫn động 2 cầu.

Thế hệ thứ 4 (1983 – 1988)

Tháng 11/1983, Toyota ra mắt Toyota Hilux thế hệ thứ 4 với thiết kế ngoại thất, nội thất hoàn toàn mới. Động cơ cũng có sự nâng cấp đáng kể. Với phiên bản dẫn động cầu sau RWD, người dùng có đến 4 tuỳ chọn động cơ khác nhau bao gồm: động cơ xăng dung tích 1.6L, 1.8L và động cơ dầu diesel dung tích 2.2L, 2.4L. Với phiên bản dẫn động 2 cầu 4WD, người dùng có 2 tuỳ chọn động cơ gồm 1 động cơ xăng 2.0L và động cơ dầu 2.4L.

Toyota Hilux thế hệ thứ 4 với thiết kế ngoại thất, nội thất hoàn toàn mới

Thế hệ thứ 5 (1988 – 1997)

Tháng 9/1988, Toyota Hilux được trình làng với tiêu chí “sức mạnh – vững chắc – thoải mái”. Ngoại thất ấn tượng với nhiều chi tiết được crome sáng bóng. Người dùng có thể dễ dàng phân biệt các phiên bản Hilux dẫn động cầu sau và dẫn động 2 cầu qua chi tiết ốp nhựa lắp ở 4 vàng hốc bánh xe. Trong khi các phiên bản 4WD có chi tiết này thì các phiên bản RWD lại không có.

Toyota Hilux thế hệ thứ 5 được trình làng với tiêu chí “sức mạnh – vững chắc – thoải mái”

Thế hệ thứ 6 (1997 – 2004)

Toyota Hilux thế hệ thứ 6 được ra mắt vào tháng 9/1997. Ở thế hệ này, hãng xe Nhật Toyota phân tách rất rõ mục đích sử dụng khi giới thiệu 2 dòng xe riêng biệt: dòng xe phục vụ di chuyển cá nhân và phục vụ kinh doanh. Phần cabin được mở rộng và sở hữu thiết kế tối ưu hơn nhằm mang đến sự thoải mái cao nhất cho hành khách. Hệ thống vận hành cũng có sự thay đổi khi xe được trang bị động cơ xăng 2.0L và 2.7L, động cơ dầu 2.4L và 3.0L, cho công suất mạnh mẽ hơn.

Toyota Hilux thế hệ thứ 6 với nhiều sự đổi mới về ngoại thất

Thế hệ thứ 7 (2004 – 2015)

Vào tháng 8/2004, Toyota Hilux thế hệ thứ 7 được giới thiệu với thiết kế “lột xác” hoàn toàn. Thế hệ này của Hilux cũng nằm trong dự án “Xe đa dụng sáng tạo toàn cầu” của hãng xe lớn hàng đầu Nhật Bản. Toyota phá triển đến 5 mẫu xe từ một nền tảng, bao gồm: 3 mẫu bán tải Toyota Hilux, 1 mẫu MPV Toyota Innova, 1 mẫu SUV Toyota Fortuner.

Thế hệ này cũng khá đặc biệt khi Toyota Hilux hầu như không được sản xuất tại Nhật Bản. Thay vào đó, xe chủ yếu sản xuất tại Nam Phi, Thái Lan, Malaysia, Argentina, Pakistan… Năm 2009, Toyota Hilux chính thức được giới thiệu tại Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.

Toyota Hilux thế hệ thứ 7 sở hữu thiết kế “lột xác” hoàn toàn

Thế hệ thứ 8 (2015 – nay)

Được trình làng vào tháng 5/2015, Toyota Hilux thế hệ thứ 8 nhanh chóng “khuấy động” phân khúc xe bán tải phổ thông trên thế giới. Để có được thiết kế làm khách hàng mãn nhãn đến thế, nhóm thiết kế của Toyota đã phải đi đến nhiều nơi, trực tiếp phỏng vấn nhằm thu nhận phản hồi của các khách hàng ở khắp nơi trên thế giới. Toyota Hilux thế hệ thứ 8 được đánh giá đã “mở ra một kỷ nguyên mới” về thiết kế, tính tiện nghi và khả năng vận hành linh hoạt của dòng xe bán tải nói chung.

Toyota Hilux thế hệ thứ 8 được đánh giá đã “mở ra một kỷ nguyên mới”

ĐÁNH GIÁ CHI TIẾT TOYOTA HILUX

Giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2009, đến nay Toyota Hilux đã trải qua 2 thế hệ tại Việt Nam. Trong phần đánh giá chi tiết Toyota Hilux sau đây, chúng tôi sẽ tập trung chủ yếu vào thế hệ thứ 7 và thứ 8, nhằm giúp người đọc có các nhìn vừa tổng quan vừa chi tiết về mẫu xe này. Như vậy, người dự định mua Toyota Hilux mới hay những ai đang dự định mua xe Hilux cũ cũng sẽ đều tìm thấy được các thông tin hữu ích và cần thiết.

Đánh giá ngoại thất Toyota Hilux

  • Thiết kế tổng thể

Thiết kế tổng thể của Toyota Hilux qua thế hệ thứ 7 và thế hệ mới nhất thứ 8 nhìn chung đều mang phong cách hầm hố, mạnh mẽ, đậm dấu ấn đặc trưng của dòng xe bán tải. Điều này không quá lạ khi Toyota Hilux chính là một trong những chiếc bán tải ra đời sớm nhất, góp những viên gạch quan trọng đầu tiên giúp xây dựng nền móng và định hình thiết kế cho mẫu xe này. Vào giai đoạn hoàng kim, Toyota Hilux được xem là hình mẫu “tiên phong”.

Thiết kế tổng thể của Toyota mang phong cách hầm hố, mạnh mẽ, đậm dấu ấn đặc trưng của dòng xe bán tải

Ở cuối thế hệ thứ 7 và đầu thế hệ thứ 8, thiết kế Toyota Hilux được đánh giá là “chuẩn mực” khiến biết bao người đam mê. Hilux hầm hố nhưng không quá đà, mạnh mẽ dư thừa song vẫn phảng phất chất lịch lãm và sang trọng mà ta dễ nhìn thấy đâu đó ở những “ông hoàng huyền thoại” Toyota Corolla Altis hay Toyota Camry. Trung hoà giữa nhiều trường phái, thiết kế của Toyota Hilux dễ dàng thoả mãn số đông.

Tuy nhiên, dù ở thế hệ thứ 8 hãng xe Nhật Bản đã tạo ra được bước chuyển mình quan trọng, song đâu đó vẫn cứ lững lờ chưa chạm đến sự đột phá táo bạo. Giữa nhiều cái tên đầy sự trẻ trung và mới mẻ như Ford Ranger, Chevrolet Colorado, Mitsubishi Triton… thì Toyota Hilux có vẻ trở nên khá “già”. Sự trung tính trong thiết kế từng là thế mạnh thì đôi khi trở thành cái yếu thế. Nhiều người “chê” Hilux thiếu điểm nhấn, thiếu cá tính và thiếu cái “độc” riêng của mình.

Giai đoạn 2009 – 2014

Toyota Hilux 2009 là đời xe đầu tiên được giới thiệu chính thức tại Việt Nam. Thuộc thế hệ thứ 7, Toyota Hilux 2009 và cả 2 đời sau đó là Hilux 2010 và 2011 đều có thiết kế ngoại thất khá tương đồng. Đầu xe ấn tượng với calang dạng hốc to hình chữ nhật kéo dài. Logo Toyota nằm ngay giữa, hơi lệnh xuống dưới. Trên capo xe có một hốc gió nằm hơi chếch về bên trái. Cụm đèn trước hình hột xoài. Cụm đèn sương mù nằm lọt thỏm trong một hốc tròn. Thùng xe vuông vắn, cụm đèn hậu hình chữ nhật đứng chạy dài hai bên.

Đầu xe thế hệ thứ 7 ấn tượng với calang dạng hốc to hình chữ nhật kéo dài

Đến đời Toyota Hilux 2012, hãng xe Nhật thực hiện một bước nâng cấp mới trong cùng thế hệ. Thiết kế ngoại thất có nhiều điểm thay đổi. Trong đó đáng chú ý là phần calang chuyển sang hình thang ngược, mở rộng dần lên cao. Bên trong kiểu xếp thanh ngang thường gặp ở các mẫu xe Toyota Camry hay Toyota Fortuner cùng thời. Cụm đèn trước to hơn cũng theo kiểu vuốt ngược về hai bên. Cụm đèn hậu được trau chuốt khá nổi bật. Phong cách thiết kế chủ đạo này được giữ qua các đời xe 2013, 2014.

Đến đời Toyota Hilux 2012, phần calang chuyển sang hình thang ngược, mở rộng dần lên cao

Giai đoạn 2015 – nay

Sang đời 2016, bước qua thế hệ mới, Toyota Hilux chuyển mình mạnh mẽ. Xe trông hầm hố và dữ dằn hơn. Có thể thấy đầu xe được nhấn nhá sắc nét hơn thế hệ trước. Calang vẫn giữ kiểu 2 thanh ngang nhưng được bóp gọn lại, mạ crome sáng bóng. Calang hơi nhô ra kết nối liền mạch với cụm đèn hơi thụt vào trong tạo nên đường cong đầy ấn tượng cho phần đầu xe.

Phần cản dưới hình thang to kéo dài. Hai hốc đèn sương mù hình thoi cũng hơi thụt vào trong. Hốc gió trên capo được mở rộng hơn và nằm chiễm chệ ngay giữa trên nắp capo. Cụm đèn hậu chuyển thành hình tam giác đứng trông khá lạ mắt.

Ở thế hệ mới, calang hơi nhô ra kết nối liền mạch với cụm đèn hơi thụt vào trong tạo nên đường cong đầy ấn tượng cho phần đầu xe

Năm 2018 – 2019, Toyota tung ra bản Hilux facelift với kiểu dáng ngoại thất đổi mới gần như hoàn toàn. Thiết kế lưới tản nhiệt không còn giữ cấu hình 2 thanh chrome ngang như trước mà chuyển sang chuyển sang hình lục giác viền chrome bản to bên ngoài, bên trong là các thanh nhựa đen to chạy ngang. Hốc đèn sương mù bóp gọn được nhấn sâu hầm hố hơn với khung viền chrome bên ngoài. Cản trước được chuyển hình thang ngược với cạnh trên to, cạnh dưới thu nhỏ lạ mắt hơn.

Toyota Hilux facelift 2018 – 2019 có kiểu dáng thay đổi gần như hoàn toàn

Ở thế hệ mớinhất, đèn chiếu gần ở Toyota Hilux phiên bản cao nhất sử dụng đèn LED thấu kính, đèn chiếu ban ngày cũng dạng LED. Tuy nhiên, đèn chiếu xa vẫn dùng Halogen. Cụm đèn sau cũng dùng bóng thường. Gương báo rẽ có tích hợp đèn LED. Có thể thấy, trang bị luôn là điểm yếu của hãng xe hàng đầu Nhật Bản. Trông khi các mẫu bán tải khác nhận được khá nhiều sự “đầu tư giàu có” thì Hilux vẫn chưa được trang bị bóng LED cho đèn đèn chiếu xa và đèn hậu. Đây được đánh giá là một điểm yếu của Hilux về phần trang bị ngoại thất.

  • Kích thước
Thông số kích thước Toyota HiluxNay – 20152014 – 2009
Dài x rộng x cao (mm)5.330 x 1.855 x 1.8155.255 x 1.835 x 1.8105.255 x 1.760 x 1.695
Chiều dài cơ sở (mm)3.0853.0853.085
Khoảng sáng gầm xe (mm)293/310
Bán kính vòng quay (m)6,46,56,3
Kích thước lốp265/65R17

265/60R18 MLM

255/70R15215/65R16
  • Màu xe

Ở thế hệ mới nhất, Toyota Hilux có tất cả 6 màu để người dùng lựa chọn: màu bạc, màu trắng ngọc trai, màu xám, màu đen, màu đỏ, màu cam.

Đánh giá nội thất Toyota Hilux

Dù là một chiếc bán tải nhưng thiết kế và trang bị nội thất của Toyota Hilux được hãng xe ô tô hàng đầu Nhật Bản đầu tư chẳng kém cạnh các mẫu sedan hay SUV. Rộng rãi và thoải mái chính là ưu điểm lớn nhất ở các mẫu xe Toyota nói chung. Và tất nhiên mẫu bán tải Hilux này cũng không ngoại lệ. Đặc biệt, với một chiếc bán tải thì yếu tố rộng rãi càng trở thành lợi thế lớn của Hilux khi cạnh tranh với các đối thủ khác.

Giai đoạn 2009 – 2014

Ở thế hệ thứ 7, nội thất Toyota Hilux của được thiết kế khá giống với các mẫu xe Toyota cùng thời như Toyota Fortuner 7 chỗ. Vô lăng xe 4 chấu, tích hợp nhiều phím điều khiển tiện lợi bên trên. Phía sau vô lăng là cụm đồng hồ kiểu vòm đậm chất thể thao. Cụm điều khiển trung tâm được sắp xếp khá truyền thống, bao gồm: khe đồng hồ trên cùng, cụm CD bên dưới, hai bên CD là các cửa gió máy lạnh, dưới CD là các phím điều khiển chung.

Một vài vị trí trên taplo được mạ bạc nhằm tăng thêm tính sang trọng. Từ Hilux đời 2009 đến đời 2014, hãng Toyota vẫn giữ lối thiết kế này. Tuy nhiên, qua từng đời hãng có sự điều chỉnh giúp khoang lái trông đẹp mắt và sắc nét hơn.

Nội thất Toyota Hilux thế hệ thứ 7

Giai đoạn 2015 – nay

Sang thế hệ thứ 8, cũng như ngoại thất, thiết kế nội thất của Toyota Hilux cũng có sự chuyển mình mạnh mẽ. Bảng taplo từ thiết kế 1:1 theo kiểu cổ điển thay đổi thành kiểu 2:3 rất lạ mắt và sang trọng hơn. Vô lăng xe kiểu 3 chấu bọc da khá đẹp mắt. Phía sau là cụm đồng hồ Analog Hi và màn hình TFT 4.2inch mang giao diện sống động.

Toyota Hilux thế hệ 8 có bảng taplo thiết kế kiểu 2:3 trông lạ mắt và sang trọng

Cụm điều khiển trung tâm của Toyota Hilux thế hệ mới nhất theo thiết kế chung tách bạch khá rõ thành nhiều tầng. Tầng trên cùng hơi thụt vào trong là đồng hồ và cửa gió điều hoà. Tầng giữa là đầu DVD với màn hình cảm ứng 7 inch. Tầng dưới cùng là các phím điều khiển chung.

Xe hỗ trợ kết nối AUX, USB, Bluetooth; hệ thống đàm thoại rảnh tay… Tuy nhiên, một nhược điểm là dù ở thế hệ mới nhất nhưng Hilux vẫn không hỗ trợ kết nối Wifi, smartphone, HDMI… Về hệ thống âm thanh, xe trang bị 6 loa. Còn hệ thống điều hoà là tự động 1 vùng.

Ở bản nâng cấp giữa vòng đời 2018 – 2019, khác với ngoại thất, nội thất hầu như không có sự thay đổi.

Nhìn chung Toyota Hilux vẫn phát triển thế mạnh bền vững của mình là một không gian rộng và thoáng nhằm mang đến sự thoải mái nhất cho người lái lẫn hành khách. Thiết kế chung của nội thật trông sang trọng hơn. Tuy nhiên, về mặt trang bị tiện nghi thì vẫn yếu thế hơn nhiều so với các mẫu xe đối thủ.

Hàng ghế sau của Toyota Hilux thế hệ mới rất rộng rãi

Đánh giá động cơ Toyota Hilux

Qua 2 thế hệ, Toyota Hilux luôn cung cấp cho người dùng 2 tuỳ chọn động cơ. Nếu thế hệ trước Hilux trang bị động cơ 2.5L và 3.0L thì sang thế hệ mới cụ thể là từ đời 2017, Toyota chuyển sang sử dụng động cơ 2.4L và 2.8L được cải tiến mang đến công suất tối ưu hơn.

Thông số kỹ thuật Toyota HiluxNay – 20172016 – 20152014 – 2009
Động cơ2.4L 2.8L2.5L3.0L2.5L 3.0L
Công suất cực đại (mã lực@vòng/phút)147@3.400174@3.400144@3.600161@3.400101@3.600161@3.400
Mô men xoắn cực đại (Nm@vòng/phút)400@2.000450@2.400343@2.000360@1.600 – 3.000200@1.400 – 3.400343@1.400 – 3.200
Nhiên liệuDầuDầuDầu
Hộp số6MT/6AT6MT/5AT5MT

Đánh giá trang bị an toàn/an ninh Toyota Hiux

Về hệ thống an toàn, Toyota Hilux được hãng xe Nhật trang bị khá đầy đủ các tính năng an toàn như: hệ thống chống bó cứng phanh, hệ thống phân phối lực phanh điện tử, hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc, hệ thống hỗ trợ khởi hành đỗ đèo, hệ thống hỗ trợ lực phanh, hệ thống kiểm soát lực kéo, hệ thống ổn định thân xe…

Tuy nhiên có một nhược điểm lớn ở phương diện này đó là dù ở đời mới nhất, nhưng hãng Toyota chỉ trang bị camera lùi cho Hilux bản cao nhất 2.8G, trong khi 2 phiên bản còn lại là 2.4E và 2.4G thì không có. Điều này gây không ít khó khăn khi phải di chuyển, đậu đỗ trong những không gian hẹp khi bán tải Hilux cũng khá đồ sộ.

Đánh giá khả năng vận hành Toyota Hilux

  • Cứng cáp và vững chắc

Cầm vô lăng Toyota Hilux người lái có thể cảm nhận được sự vững chắc và cứng cáp khá đặc trưng đến từ một mẫu xe “đàn anh” trong giới bán tải Việt. Hilux được trang bị hệ thống trợ lái thuỷ lực. Ở dải tốc thấp, nhất là khi di chuyển trong đường phố đông đúc, người lái có thể cảm nhận được vô lăng khá nhẹ nhàng, điều khiển dễ dàng và cho phản ứng nhạy bén, chính xác.

Tuy nhiên ở dải tốc cao, vô lăng có phần nặng hơn, cho cảm giác di chuyển đầm chắc và an toàn. Không có cảm giác bồng bềnh như nhiều mẫu xe nhỏ của hãng Toyota như Toyota Vios hay Toyota Yaris. Toyota Hilux được thiết kế mang đến độ ổn định cao. Chạy ở tốc độ trên 100km/h, cảm giác lái vẫn khá vững. Người lái có thể tự tin ôm cua hơn nếu lỡ vượt tốc quá đà.

Cầm vô lăng Toyota Hilux người lái có thể cảm nhận được sự vững chắc và cứng cáp khá đặc trưng
  • Sức mạnh động cơ được cải thiện

Ở thế hệ thứ 7, dù với phiên bản Toyota Hilux 3.0, nhiều người vẫn đánh giá động cơ xuất hiện tình trạng hơi ì ở cấp số đầu. Tuy nhiên, qua các đời, nhất là khi chuyển sang thế hệ 8, sức mạnh động cơ của Hilux đã được cải tiến đáng kể. Xe cho khả năng tăng tốc tốt và nhanh. Trong những tình huống vượt cần gia tốc, Hilux vẫn thể hiện “bản lĩnh” của mình khi lướt lên khá êm ái.

Với thông số kỹ thuật Toyota Hilux được cải tiến, thế hệ mới của mẫu xe bán tải này không có dấu hiệu “xuống sức” khi đủ tải, trong khi dư tải thì xe có phần “thoải mái” hơn.

Sức mạnh động cơ của Hilux đã được cải tiến đáng kể ở thế hệ mới

Chân ga và chân phanh thiết kế khá nhẹ và nhạy, cho phản ứng tức thì. Khi di chuyển trong hành trình đường dài, người lái sẽ cảm thấy đỡ mỏi chân hơn. Tuy nhiên, nếu di chuyển ở khu vực nội thành, đường đông đúc, với việc chân ga hơi nhạy thì việc chạy dải tốc thấp thường khiến xe dễ bị hụt.

  • Khả năng offroad chưa thực sự lý tưởng

Như đã đề cập ở trên, ở dải tốc thấp, vô lăng Toyota Hilux khá nhẹ. Do đó nếu chạy vào đoạn đường dằn xóc nhẹ thì điều này lại gây bất lợi. Vô lăng khá rung và có độ rơ lớn khi offroad nhẹ. Để đưa xe di chuyển theo đúng ý, người lái cần dùng nhiều lực hơn để điều khiển vô lăng.

Mặt khác hệ thống treo của Toyota Hilux bị nhiều người đánh giá khá cứng. Hệ thống treo này giúp xe ổn định khi ôm cua, khi chạy dải tốc cao. Tuy nhiên nếu di chuyển vào đường địa hình xấu, hệ thống treo phản hồi khá “gắt” nên người lái và hành khách sẽ cảm nhận rõ dằn xóc.

Khả năng offroad của Toyota Hilux chưa thực sự lý tưởng
  • Cách âm tốt

Toyota Hilux được đánh giá là một trong những chiếc bán tải sở hữu khả năng cách âm tốt nhất phân khúc. Thế mạnh này thể hiện rất rõ ở thế hệ mới nhất. Khi nổ máy ở trạng thái không tải, người ngồi trong cabin hầu như không nghe thấy âm thanh từ khoang động cơ. Bắt đầu cho xe chạy, ta có thể nghe được âm thanh đặc trưng của khối động cơ máy dầu, song do tiếng khá nhỏ nên không gây khó chịu hay phiền hà gì. Xe tăng tốc, tiếng gió rít vọng từ gầm xe cũng được xử lý triệt tiêu hiệu quả.

Toyota Hilux được đánh giá là một trong những chiếc bán tải sở hữu khả năng cách âm tốt nhất phân khúc

Đánh giá ưu nhược điểm Toyota Hilux

Ưu điểm chung

  • Thiết kế bền dáng, trung tính, không quá hầm hố; gầm cao vượt trội.
  • Nội thất rộng rãi bậc nhất phân khúc
  • Vận hành mạnh mẽ, bền bỉ; tăng tốc tốt; đầm chắc ở dải tốc cao.
  • Cách âm tốt hàng đầu phân khúc.

Nhược điểm chung

  • Thiết kế thiếu điểm nhấn, thiếu sự “lột xác”.
  • Thiếu nhiều trang bị hiện đại so với các đối thủ cùng phân khúc.
  • Giá bán cao

CÁC PHIÊN BẢN TOYOTA HILUX

Ở đời mới nhất, Toyota Hilux có tất cả 3 phiên bản. Trong đó có 2 phiên bản sử dụng động cơ 2.4L và 1 phiên bản dùng động cơ 2.8L. Giá tiền giữa các phiên bản chênh lệch khá cao, đến gần 100 triệu đồng.

Phiên bản Toyota Hilux2.4E 4×2 AT MLM2.4G 4×4 MT 2.8G 4×4 AT MLM
Giá tiền (triệu đồng)695793878
Đèn chiếu gầnHalogenHalogen LED
Đèn chiếu xaHalogenHalogen Halogen
Đèn ban ngàyKhôngKhôngLED
Hệ thống điều khiển đèn tự độngKhông
Cụm đèn sauBóng thườngBóng thườngBóng thường
Đèn báo phanh trên caoLEDLEDLED
Gương chiếu hậuChỉnh điện

Tích hợp báo rẽ

Chỉnh điện

Tích hợp báo rẽ

Chỉnh điện

Gập điện

Tích hợp báo rẽ

Vô lăng3 chấu

Urethane

3 chấu

Urethane, mạ back

3 chấu

Bọc da

Gương hậu trong2 chế độ ngày & đêm2 chế độ ngày & đêm2 chế độ ngày & đêm
GhếNỉNỉDa
Điều chỉnh ghế láiChỉnh tay 6 hướngChỉnh tay 6 hướngChỉnh điện 8 hướng
Hàng ghế thứ haiCố địnhCố địnhCố định
Điều hoàChỉnh tayTự độngTự động
Hệ thống âm thanhDVD cảm ứng 7” 6 loaCD 6 loaDVD cảm ứng 7” 6 loa
Chìa khoá thông minhKhôngKhông
Động cơ2GD-FTV 2.4L 2GD-FTV 2.4L 1GD-FTV 2.8L
Loại nhiên liệuDầuDầuDầu
Hệ thống nhiên liệuPhun trực tiếpPhun trực tiếpPhun điện tử
Hộp sốSố tự động 6 cấpSố sàn 6 cấpSố tự động 6 cấp
Hệ thống truyền độngRWD4WD4WD
Lốp265/65R17265/65R17265/60R18 MLM
Camera lùiKhôngKhông
Cảm biến hỗ trợ đỗ xe sauKhôngKhôngKhông

CÓ NÊN MUA TOYOTA HILUX CŨ?

Những ưu điểm của xe Toyota Hilux cũ

  • Vận hành ổn định, bền bỉ – cách âm tốt – tiết kiệm nhiên liệu

Có thể thua kém nhiều mặt về trang bị so với các đối thủ, nhưng khi nói về khả năng vận hành bền bỉ, ổn định, đầm chắc thì Toyota Hilux vẫn giữ vững vị thế của một “đàn anh” trong phân khúc. Hầu như các chủ xe Hilux cũ đều có chung một đánh giá: Hilux rất bền. Xe ít hỏng hóc, “giở chứng”. Với những chủ xe chịu khó bảo dưỡng xe định kỳ đúng hạn thì có thể thấy được sức bền rõ rệt của Hilux.

Toyota Hilux có khả năng vận hành ổn định, bền bỉ – cách âm tốt – tiết kiệm nhiên liệu

Bên cạnh độ bền, dù khó thể so với đời xe mới nhất nhưng những chiếc Toyota Hilux cũ đã qua sử dụng vẫn có được độ ổn định nhất định cần có ở chiếc bán tải. Xe vào cua mượt và an toàn. Chạy ở dải tốc cao vẫn cảm thấy chắc chắn. Hệ thống treo tuy cứng song nó cũng không quá gây phiền hà nếu chủ xe không thường xuyên offroad.

Một ưu điểm khác là không chỉ ở xe mới mà ngay cả với những chiếc xe cũ, Hilux vẫn là chiếc bán tải có khả năng cách âm tốt hàng đầu phân khúc, dù xe sử dụng động cơ máy dầu. Bên cạnh đó, Hilux còn có khoảng gầm lớn, hỗ trợ nhiều cho việc offroad hay lội nước. Thừa hưởng ưu điểm từ khối động cơ của hãng Toyota, mức tiêu thụ nhiên liệu Hilux được đánh giá tiết kiệm hàng đầu phân khúc.

  • Nội thất rộng rãi

Nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc bán tải phục vụ cho những chuyến đi chơi xa của gia đình thì Toyota Hilux sẽ là lựa chọn hàng đầu. Như nhiều mẫu xe Toyota khác, Toyota Hilux sở hữu không gian nội thất rất rộng rãi dù là thuộc dòng bán tải. Xe phù hợp để gia đình hay nhóm bạn đi du lịch cùng nhau.

Nội thất Toyota Hilux rộng rãi bậc nhất phân khúc

Những nhược điểm của xe Toyota Hilux cũ

  • Thiết kế còn an toàn, thiếu sự mạnh mẽ

So với các mẫu bán tải cùng thời trong phân khúc, thiết kế Toyota Hilux bị đánh giá là hơi trung tính, an toàn và thiếu sự mạnh mẽ. Điều này có lẽ do mẫu xe chịu nhiều ảnh hưởng từ phong cách chung của hãng xe Toyota. Vì thế qua hình ảnh của Hilux, ta vẫn thấy đâu đó có chút của Toyota Fortuner hay Toyota Camry… Nhìn chung thiết kế của Hilux khá “dễ chịu” phù hợp với đa phần người dùng. Tuy nhiên, với những ai yêu cầu cao hơn chút, đòi hỏi một thiết kế rõ rét và cá tính hơn thì Hilux khó thể làm thoả lòng.

Thiết kế Toyota Hilux còn an toàn, thiếu sự mạnh mẽ
  • Sức mạnh động cơ thua nhiều đối thủ

Thế hệ thứ VII duy trì thời gian khá dài. Và trong thế hệ này đến cả đầu thế hệ thứ VIII, Toyota Hilux vẫn sử dụng cùng một loại động cơ. Xét riêng ở Hilux thì sức mạnh khối động cơ vẫn đủ đáp ứng mang đến trải nghiệm lái tốt. Song, nếu xét mặt bằng chung trong phân khúc, thì động cơ Hilux có vẻ “quá già” và khó bì kịp với nhiều đối thủ khác dù ở mức giá bán thấp hơn.

  • Giá bán cao trong khi tiện nghi “nghèo”

Đây luôn là câu chuyện muôn thuở mà hầu như mẫu xe nào ở phân khúc trung – thấp của hãng Toyota đều gặp phải. Giá bán ban đầu cao cùng khả năng giữ giá tốt khiến giá bán ở thị trường xe cũ có phần chênh lệch hơn các đối thủ cùng thời, trong khi tiện nghi xe thì “nghèo”. Với các mẫu Toyota Hilux cũ thì sự “nghèo” tiện nghi này còn thể hiện rõ hơn. Đây là một trong các lý do lớn nhất khiến nhiều người e ngại trước Toyota Hilux.

Giá bán Toyota Hilux cũ cao trong khi trang bị lại hạn chế chính là nhược điểm của Toyota Hilux cũ cũng là điều khiến nhiều người phân vân có nên mua xe Toyota Hilux cũ không.

Với các mẫu Toyota Hilux cũ thì sự “nghèo” tiện nghi thể hiện rất rõ

SO SÁNH TOYOTA HILUX VÀ CÁC ĐỐI THỦ TRONG CÙNG PHÂN KHÚC

Trong phân khúc bán tải, “vua bán tải” Ford Ranger được xem là đối thủ mạnh nhất của Toyota Hilux. Bên cạnh đó, trong phân khúc mẫu xe bán tải của Toyota này còn có nhiều đối thủ lớn khác như Chevrolet Colorado, Mitsubishi Triton, Nissan Navara, Mazda BT-50, Isuzu D-Max…

Hiện tại, Ford Ranger dẫn đầu doanh số, bỏ xa các đối thủ khác. Sau nhiều thay đổi hiện doanh số Toyota Hilux đã có sự cải thiện đáng kể, vươn lên vị trí thứ 2. Đứng kế cận sát sao ở vị trí thứ 3 là Mazda BT-50.

So sánh Toyota Hilux và Ford Ranger

Ford Ranger chính là đối thủ mạnh nhất của Toyota Hilux. Và trong cuộc chiến giành “miếng bánh” thị phần tại Việt Nam, Hilux đã trở nên thất thế khá nhiều trước Ford Ranger. Theo thống kê doanh số trong phân khúc bán tải Việt Nam tháng 11/2018, trong khi Ford Ranger vững vàng ở ngôi đầu bảng thì Toyota Hilux đứng ở vị trí tận thứ 5. Một trong những nguyên nhân chính tạo nên sự thành công cho Ford Ranger đó là thiết kế khoẻ khoắn cùng khối động cơ cho công suất vượt trội. Khối động cơ này cho sức mạnh hơn hẳn Toyota Hilux dù dung tích chỉ 2.0L.

Sau đây là bảng so sánh tóm tắt 2 phiên bản cao nhất Toyota Hilux 2.8G và Ford Ranger Wildtrak 2.0L:

So sánhToyota Hilux 2.8G 4×4 AT MLMFord Ranger Wildtrak 2.0L AT 4×4
Giá bán878.000.000918.000.000
Dài x rộng x cao (mm)5.330 x 1.855 x 1.8155.362 x 1.860 x 1.830
Chiều dài cơ sở (mm)3.0853.220
Khoảng sáng gầm xe (mm)310200
Kích thước lốp265/60R18 MLM265/60R18
Xuất xứNhập khẩuNhập khẩu
Động cơDiesel 2.8LDiesel Turbo 2.0L
Công suất174 @ 3.400213 @ 3.750
Mô men xoắn450 @ 2.400500 @ 1.750 – 2.000
Dẫn động4WD4WD
Hộp sốTự động 6 cấpTự động 10 cấp
Hệ thống nhiên liệuPhun trực tiếpPhun trực tiếp
Hệ thống láiThuỷ lựcTrợ lực điện
Phanh trước – sauĐĩa thông gió/Tang trốngĐĩa/Tang trống
Hệ thống treo trước – sauTay đòn kép/Nhíp láĐộc lập, tay đòn kép, lò xo trụ – Nhíp, ống giảm chấn lớn
Hệ thống an toàn
Chống bó cứng phanh ABS
Phân phối lực phanh điện tử
Phanh khẩn cấp
Cân bằng điện tử
Khởi hành ngang dốc
Khởi động bằng nút bấm, khoá thông minh
Điều khiển hành trình
Camera lùi
Túi khí76
Tính năng
Đèn chiếu xaLEDHID
Đèn chiếu gầnHalogenHID
Hệ thống giải tríDVD 7” cảm ứng – 6 loaDVD 8” cảm ứng – 6 loa
Hệ thống điều hoàTự động 1 vùngTự động 2 vùng
Vô lăng3 chấu – bọc da4 chấu – bọc da
Cụm đồng hồAnalogOptitron
Cửa sổ điều chỉnh điện

So sánh Toyota Hilux và Chevrolet Colorado

Hiện nay trong phân khúc xe bán tải Việt, đứng ngay sau “ông hoàng” Ford Ranger chính là Chevrolet Colorado. So với Toyota Hilux, Chevrolet Colorado cũng chiếm nhiều lợi thế hơn từ thiết kế đến trang bị.

Sau đây là bảng so sánh tóm tắt 2 phiên bản Toyota Hilux 2.8G 4×4 AT và Chevrolet Colorado High Country:

So sánhToyota Hilux 2.8G 4×4 AT MLMChevrolet Colorado High Country
Giá bán878.000.000819.000.000
Dài x rộng x cao (mm)5.330 x 1.855 x 1.8155.408 x 1.874 x 1.852
Chiều dài cơ sở (mm)3.0853.096
Khoảng sáng gầm xe (mm)310216
Kích thước lốp265/60R18 MLM265/60R18
Xuất xứNhập khẩuNhập khẩu
Động cơDiesel 2.8LDiesel Turbo 2.5L
Công suất174 @ 3.400180 @ 3.600
Mô men xoắn450 @ 2.400440 @ 2.000
Dẫn động4WD4WD
Hộp sốTự động 6 cấpTự động 6 cấp
Hệ thống nhiên liệuPhun trực tiếpPhun trực tiếp
Hệ thống láiThuỷ lựcTrợ lực điện
Phanh trước – sauĐĩa thông gió/Tang trốngĐĩa/Tang trống
Hệ thống treo trước – sauTay đòn kép/Nhíp lá
Hệ thống an toàn
Chống bó cứng phanh ABS
Phân phối lực phanh điện tử
Phanh khẩn cấp
Cân bằng điện tử
Khởi hành ngang dốc
Khởi động bằng nút bấm, khoá thông minh
Điều khiển hành trình
Camera lùi
Túi khí72
Tính năng
Đèn chiếu xaLEDLED
Đèn chiếu gầnHalogenLED
Hệ thống giải tríDVD 7” cảm ứng – 6 loaDVD 8” cảm ứng – 7 loa
Hệ thống điều hoàTự động 1 vùngTự động 1 vùng
Vô lăng3 chấu – bọc da3 chấu – bọc da
Cụm đồng hồAnalogAnalog
Cửa sổ điều chỉnh điện

So sánh Toyota Hilux và Mitsubishi Triton

Giai đoạn gần đây, doanh số của Mitsubishi Triton luôn cao hơn Toyota Hilux. Không như Ford Ranger hay Chevrolet Colorado, lợi thế cạnh tranh mạnh nhất của Mitsubishi Triton chủ yếu đến từ giá bán. Đây là một trong các mẫu xe bán tải có giá thấp nhất phân khúc. Phiên bản cao nhất của Triton vẫn có giá thấp hơn so với phiên bản thấp nhất của Hilux. Dù vậy, khối động cơ của Triton vẫn cho công suất cao hơn so với động cơ của Hilux.

Sau đây là bảng so sánh tóm tắt 2 phiên bản Toyota Hilux 2.4E 4×2 và Mitsubishi Triton 4×4 MT:

So sánhToyota Hilux 2.4E 4×2 AT MLMMitsubishi Triton 4×4 MT
Giá bán695.000.000646.000.000
Dài x rộng x cao (mm)5.330 x 1.855 x 1.8155.408 x 1.874 x 1.852
Chiều dài cơ sở (mm)3.0853.096
Khoảng sáng gầm xe (mm)310216
Kích thước lốp265/65R17265/60R18
Xuất xứNhập khẩu
Động cơDiesel 2.4LDiesel VGT, DI, Turbo 2.5L
Công suất (mã lực)147 @ 3.400180 @ 3.600
Mô men xoắn (Nm)400 @ 2.000440 @ 2.000
Dẫn độngRWD4WD
Hộp sốTự động 6 cấpTự động 6 cấp
Hệ thống nhiên liệuPhun trực tiếpPhun trực tiếp
Hệ thống láiThuỷ lựcTrợ lực điện
Phanh trước – sauĐĩa thông gió/Tang trốngĐĩa/Tang trống
Hệ thống treo trước – sauTay đòn kép/Nhíp lá
Hệ thống an toàn
Chống bó cứng phanh ABS
Phân phối lực phanh điện tử
Phanh khẩn cấp
Cân bằng điện tử
Khởi hành ngang dốc
Khởi động bằng nút bấm, khoá thông minh
Điều khiển hành trình
Camera lùi
Túi khí72
Tính năng
Đèn chiếu xaHalogenLED
Đèn chiếu gầnHalogenLED
Hệ thống giải tríDVD 7” cảm ứng – 4 loaDVD 8” cảm ứng – 7 loa
Hệ thống điều hoàTự động 1 vùngTự động 1 vùng
Vô lăng3 chấu – bọc da3 chấu – bọc da
Cụm đồng hồAnalogAnalog
Cửa sổ trờiKhông
Cửa sổ điều chỉnh điệnKhông

KẾT LUẬN

Dù cho hiện nay có khá nhiều lựa chọn được đánh giá lý tưởng hơn Toyota Hilux, nhưng nhìn nhận một cách khách quan nhất Hilux vẫn có những thế mạnh riêng của mình. Nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc xe bán tải thiết kế đẹp mắt đi cùng khối động cơ mạnh mẽ thì có thể chọn Ford Ranger. Nếu bạn mong muốn một mẫu xe hầm hố, cứng cỏi thì Chevrolet Colorado sẽ là gợi ý đáng tham khảo. Còn nếu bạn quan tâm nhiều đến ngân sách thì mức giá bán thấp của Mitsubishi Triton chắc chắn sẽ vô cùng hấp dẫn…

Tuy nhiên, nếu bạn xem trọng những giá trị về lâu dài như khả năng vận hành bền bỉ, chi phí bảo dưỡng – nhiên liệu tiết kiệm, khả năng giữ giá cao khi bán lại, nội thất rộng rãi – thoải mái, thiết kế trung tính vừa mạnh mẽ vừa sang trọng phù hợp với nhiều môi trường sử dụng… thì xin thưa không lựa chọn nào có thể vượt qua Toyota Hilux. Không phải tự nhiên mà mẫu xe này lại có thể đứng vững đến hiện nay.

Trần Quân - Theo danchoioto


Bài viết này có bổ ích với bạn ?

Bạn hãy là người đầu tiên đăng nhận xét...

Copyright © 2020 Toyota Tiền Giang - Hotline : 0273.3 616 626 - All Rights Reserved | Powered By Blogger
🔝