1. Trang chủ
  2. Kiến thức

Góc nhìn: Triệu hồi xe, nên hiểu theo nghĩa tích cực

10/03/2020 09:48:00 SA

Một ngày bạn nhận được thông báo chiếc xe đang sử dụng bị lỗi một bộ phận nào đó cần mang tới đại lý khắc phục. Vậy, thông tin ấy tốt hay xấu?

Nhiều mẫu xe Toyota đời cũ vẫn được hãng xe chủ động triệu hồi để bảo đảm quyền lợi và an toàn cho hành khách dù chưa có hậu quả nào từ các lỗi liên quan

Nên hiểu thế nào về triệu hồi xe?

Ngay khi nhận thông báo triệu hồi xe, có thể ai đó sẽ chột dạ nhưng nếu bình tĩnh trở lại và suy nghĩ thấu đáo hơn, điều ấy là tốt cho bạn bởi rõ ràng bạn vẫn đang an toàn và hãng xe đã thể hiện trách nhiệm, là người lo trước cho quyền lợi cũng như sự an toàn của mình.

Ở nghĩa sát nhất, triệu hồi ô tô là hành động của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện đối với ô tô có khuyết tật trong quá trình thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp ráp đã được cung cấp ra thị trường nhằm ngăn ngừa các nguy hiểm có thể xảy ra. Đây là hoạt động thường xuyên diễn ra trên toàn thế giới, đặc biệt ở những quốc gia có nền công nghiệp phát triển và có tính minh bạch cao.

Việc triệu hồi xe cũng có nhiều cấp độ: Cấp độ đầu tiên là biện pháp phòng tránh nhằm giúp sản phẩm an toàn và tốt hơn và lỗi chưa xảy ra. Hãng có thể cập nhật phần mềm hay bổ sung trang bị để giúp xe tốt hơn; Cấp độ tiếp theo là trong quá trình kiểm tra chất lượng, nhà sản xuất có thể phát hiện ra các lỗi có thể xảy ra (thường là không) nhưng có xác xuất hi hữu những vẫn triệu hồi để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng; Cấp độ 3, hãng triệu hồi khi lỗi đã xảy ra nhưng chưa ghi nhận sự cố/thiệt hại/thương vong.

Thực tế sản xuất các mẫu xe, đôi khi việc thử nghiệm và cho xuất xưởng một chiếc xe cũng chưa chắc đã có thể phát hiện ra những khiếm khuyết mà có những lỗi chỉ có thể phát hiện trong quá trình sử dụng. Vì thế, việc các hãng xe chủ động rà soát, hậu kiểm, tự phát hiện hoặc tiếp thu những phản hồi của khách hàng cho thấy sự chuyên nghiệp trong chuối cung ứng và sản xuất, nhất là đối với các doanh nghiệp có quy mô toàn cầu như: Toyota, Ford, Honda, Audi... Thậm chí trên thế giới, triệu hồi xe còn được coi như một tiêu chí đánh giá sự phát triển của một thị trường ô tô bởi ở đó, người tiêu dùng được bảo vệ, không phải chịu những lỗi do nhà sản xuất.

Xét về bản chất, không doanh nghiệp sản xuất nào mong muốn thực hiện việc triệu hồi bởi mỗi đợt triệu hồi như vậy sẽ rất tốn kém và mất nhiều công sức. Tuy nhiên cũng có không ít các hãng xe sau hàng loạt những chiến dịch triệu hồi thì doanh số bán xe lại tăng mạnh do chỉ số niềm tin của khách hàng tăng lên.

Triệu hồi xe, nên hiểu theo nghĩa tích cực

Không chỉ trên thế giới, tại Việt Nam những năm gần đây hoạt động triệu hồi xe của các doanh nghiệp tăng lên khá nhiều, mỗi năm có hàng trăm đợt triệu hồi cả ô tô lẫn xe máy. Điều này có thể lý giải khi sản lượng và quy mô thị trường ngày một gia tăng thì lượng sản phẩm bị mắc lỗi cũng tăng.

Quan sát cho thất, đa số đợt triệu hồi ô tô tại Việt Nam hiện nay chủ yêu do các doanh nghiệp tự đề xuất triệu hồi, ngay cả khi lỗi của sản phẩm chưa được khách hàng phát hiện và chưa gây hậu quả gì. Thậm chí có những doanh nghiệp như Toyota Việt Nam còn thực hiện cả một chiến dịch triệu hồi chỉ để khắc phục lỗi trên 4 chiếc xe tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên theo dõi và phân tích dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng có thể thấy, có hai chiều hướng trong việc thực hiện triệu hồi của các hãng xe: Thứ nhất là chủ động triệu hồi xe; Thứ hai là bị cơ quan phụ trách vấn đề an toàn kỹ thuật yêu cầu triệu hồi xe.

Thực tế cho thấy có những doanh nghiệp khi biết sản phẩm bị lỗi nhưng không thực hiện triệu hồi hoặc giấu lỗi để đến khi bị khách hàng phản ánh, khiếu kiện, cơ quan quản lý an toàn kỹ thuật yêu cầu buộc phải triệu hồi mới thực hiện. Chính vì thế, một hãng xe cả chục năm không thấy có đợt triệu hồi nào không có nghĩa là những chiếc xe do doanh nghiệp đó sản xuất không có lỗi. Có thể những mẫu xe do những doanh nghiệp này sản xuất chỉ mắc phải những lỗi nhỏ và họ dùng cách âm thầm khắc phục qua những đợt bảo hành, bảo dưỡng. Nhưng cũng có những hãng xe biết được chiếc xe bị lỗi một bộ phận, trang bị nào đó nhưng vì sợ ảnh hưởng đến doanh số, uy tín và khả năng chi trả cho việc triệu hồi quá lớn nên đã lờ đi.

Trong một lần trao đổi với lãnh đạo cơ quan kiểm soát vấn đề an toàn kỹ thuật phương tiện là Cục Đăng kiểm Việt Nam, điều mà vị lãnh đạo này băn khoăn nhất chính là thái độ của rất nhiều người tiêu dùng, trong đó có không ít các cơ quan báo chí, truyền thông thường nghĩ việc triều hồi xe theo hướng tiêu cực. Nhiều người do chưa tìm hiểu kỹ, hễ thấy triệu hồi là lo ngại và cho rằng lệnh triệu hồi đồng nghĩa với những vấn đề nghiêm trọng về chất lượng. Thế nhưng, đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm bởi với hàng nghìn chi tiết kỹ thuật, các nhà sản xuất rất khó để loại trừ hoàn toàn lỗi trên mỗi chiếc xe thành phẩm. Cũng bởi những suy nghĩ sai lầm này, có những giai đoạn triệu hồi xe bị coi là cụm từ nhạy cảm và một số nhà sản xuất từng tìm cách né tránh, che giấu vì lo ngại tác động đến hình ảnh thương hiệu.

Vì thế, khi nhận được thông báo về chiến dịch triệu hồi cho chiếc xe của mình, khách hàng không nên quá lo lắng mà hãy bình tĩnh đến các đại lý được ủy quyền để khắc phục lỗi mà không phải trả bất cứ chi phí nào cho việc đó.


Bài viết này có bổ ích với bạn ?

Bạn hãy là người đầu tiên đăng nhận xét...

Copyright © 2020 Toyota Tiền Giang - Hotline : 0273.3 616 626 - All Rights Reserved | Powered By Blogger
🔝